Quá ấn tượng với câu chuyện lãng mạn, khắc khoải và day dứt của 3 nhân vật chính cũng như những khung hình đẹp tuyệt vời về nước Pháp thế kỷ 19 và vùng đất Nhật Bản hoang sơ mà bí ẩn; vừa bước ra khỏi rạp chiếu phim, tôi chạy ngay vào nhà sách để mua "Lụa". Thực sự, cảm giác đầu tiên khi tôi cầm cuốn sách này trên tay là nó... rất khác so với hình dung của tôi về cuốn sách khi xem xong phim. Cuốn sách mỏng, nhỏ gọn (trong khi mạch phim thì chậm rãi, chi tiết), và cũng chẳng có dòng nào mô tả phong cảnh nước Pháp hay nước Nhật (trong phim thì những cảnh này lên hình đẹp tuyệt!). Thế nhưng, chính sự ngắn gọn, cô đọng đến mức tưởng chừng như tác giả không viết thừa một chữ nào lại làm nên cái hay riêng của tác phẩm. Đặc biệt, có những đoạn văn được thể hiện rất lạ (giống như những đoạn thơ) đã khiến người đọc thấy mình như đang bước vào một thế giới xa lạ mà đầy sức hút nào đó - hệt như chàng thương gia Herve lần đầu đến "nơi tận cùng của thế giới" - Nhật Bản
Cách hành văn đơn giản, chi tiết chọn lọc, nhưng cuốn sách vẫn khiến người đọc cảm nhận được đầy đủ những cảm xúc sâu kín của từng nhân vật. Đó là sự giằng xé trong tâm can của Herve giữa một bên là người vợ dịu hiền đầu ấp tay gối với một bên là người tình và cuộc tình kỳ lạ - một cuộc tình mà từ lúc yêu đến lúc xa lìa, cả hai vẫn chưa nói được với nhau câu nào. Đó là tia hy vọng lẻ loi, là sự dồn nén mong muốn được giải thoát khỏi cảnh "chim lồng cá chậu" của người tì thiếp Nhật Bản. Nhưng đối với tôi, ấn tượng nhất vẫn là nỗi khát khao yêu và được yêu âm thầm nhưng cháy bỏng của Helene - người vợ ngỡ như tẻ nhạt mà thực ra vô cùng sâu sắc và nồng nàn. Trong sách, tác giả không dành cho nàng nhiều "đất" lắm, nhưng trong phim, bàn tay của đạo diễn Fracois đã khiến nàng trở nên sống động và gợi cảm hơn nhiều. Tôi muốn nói nhiều về Helene nữa, nhưng thôi, bạn hãy đọc sách đi, nàng sẽ mang đến cho bạn nhiều bất ngờ đấy!